Lượt xem: 534

Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong Nhân dân

Với mục tiêu trên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh thuộc Sở Tư pháp không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác TGPL. Quá trình hoạt động, đơn vị luôn tăng cường hướng về cơ sở và lựa chọn những phương pháp truyền thông, tư vấn gần gũi, dễ hiểu.

    Hầu như nơi nào đoàn TGPL đến, những “trăn trở” về pháp luật của người dân đều được giải tỏa. Đặc biệt, những chuyến truyền thông, tư vấn miễn phí tại cơ sở còn là những bài học về ý nghĩa cuộc sống và đong đầy, ấm áp về tình người. Nhớ chuyến công tác tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, chúng tôi càng thấy được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và TGPL trong Nhân dân. Hôm ấy, người dân đến sớm và khá đông (hơn 100 người) để chờ Đoàn tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí ở tỉnh xuống. Họ say mê, im phăng phắc khi Đoàn giới thiệu, tuyên truyền những quy định pháp luật mới, gần gũi và liên quan trực tiếp đến đời sống người dân cũng như quy định, đối tượng được TGPL. Người dân tin tưởng mang những băn khoăn, thắc mắc và những vấn đề bức xúc gửi đến đoàn nhờ tư vấn.


Người dân có nhiều câu hỏi thắc mắc về pháp luật cần được giải đáp. Ảnh Sớm Mai

    Cụ thể như ông Thạch Đ, ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành trình bày là khá bối rối không biết xử lý sao trước sự ngỗ nghịch của con cái và việc các con không biết yêu thương nhau. Ông muốn dùng roi vọt để dạy dỗ con cái nhưng nghe nói là vi phạm pháp luật? Còn chị Thạch Thị D, ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành có một chút buồn, khi cha mẹ cho ruộng đất và vợ chồng chị đã cải tạo, sử dụng. Vậy mà sau đó, cha mẹ lại lấy cho người con khác, về tình thì hơi phủ phàng, nhưng về pháp luật, hành động đó có được phép không?

    Hiện nay, các ngành, các cấp đang đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong Nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Mục đích để mọi công dân đều sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, đối với một số người lớn tuổi vẫn giữ những quan điểm cá nhân riêng, không quan tâm đến pháp luật. Lúc nghe Đoàn tuyên truyền quy định pháp luật về thừa kế, di chúc, một bác trên địa bàn xã Long Đức, huyện Long Phú không đồng tình lên tiếng: “Xưa nay, cha mẹ cho tài sản, đất đai đứa con nào thì đứa đó hưởng, cần gì phải làm di chúc”. Tiếp lời, bà Hà Thị T, ngụ ấp Long Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú bức xúc, vì sao con bà vi phạm pháp luật, tòa án đưa ra xét xử nhưng không hề gửi thông báo cho bà hay biết… Mỗi người một thắc mắc, rắc rối lần lượt được Đoàn tư vấn, giải đáp tận tình, đúng quy định pháp luật hiện hành. Khi ấy, có người dân đã thốt lên “thì ra tôi đã hiểu sai” và gửi lời cảm tạ trước những thông tin, kiến thức pháp luật mà đoàn cung cấp. Thực tế, Đoàn TGPL không chỉ kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý trong Nhân dân mà còn nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ địa phương. Bởi qua đó, sẽ giúp cán bộ cơ sở nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; học hỏi phương pháp, kỹ năng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Quan trọng hơn, qua các thắc mắc, búc xúc, phản ánh của người dân sẽ giúp địa phương điều chỉnh, khắc phục kịp thời những sai sót và có hướng xử lý công việc được thấu tình, đạt lý hơn.

    Để nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành và tôn trọng pháp luật cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng được TGPL, đồng chí Trần Ngọc Thanh Phong - Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước cho biết, năm 2020, Trung tâm phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng những cơ quan có liên quan rà soát, thống kê người thuộc diện được trợ giúp. Qua đó, đã chủ động trong trợ giúp và đảm bảo đáp ứng 100% yêu cầu được trợ giúp. Tổ chức nhiều đợt truyền thông TGPL tại các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng bãi ngang ven biển trên địa bàn. Đặc biệt, Trung tâm đã biên soạn, in ấn trên 11.000 sổ tay hỏi đáp pháp luật, 14.000 tờ gắp pháp luật để cấp phát miễn phí cho người dân và các cơ quan có liên quan, nhằm đáp ứng kịp thời việc tìm hiểu pháp luật.

    Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành, phòng tư pháp huyện, thị xã, thành phố và UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức khoảng 80 đợt TGPL, tư vấn pháp luật ngoài cơ sở; trong đó, chú trọng tổ chức tại các xã, phường, thị trấn và các điểm chùa, trường học, Hội Người khuyết tật, cơ sở bảo trợ xã hội, khu dân cư có đông đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL nhằm giúp cho người được TGPL thụ hưởng dịch vụ TGPL với chất lượng cao.

Sớm Mai



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 87
  • Hôm nay: 365
  • Trong tuần: 70,792
  • Tất cả: 11,802,799